Những tín hiệu lạc quan về bất động sản hậu Covid-19

Trong nguy có cơ là nhận định chung của chuyên gia Võ Trí Thành cùng ông chủ các tập đoàn bất động sản hàng đầu tại buổi toạ đàm chiều 6/6 tại FLC Samson Beach & Golf Resort.

“Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” là một trong số các buổi tọa đàm diễn ra đầu tiên sau hàng tháng liền thị trường tạm dừng nhiều hoạt động vì Covid-19. Được tổ chức tại FLC Samson Beach & Golf Resort tại Sầm Sơn, Thanh Hoá, sự kiện do CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam khởi xướng với sự góp mặt nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế, hiệp hội bất động sản…

Buổi toạ đàm đón lượng khách thực tế gấp 3 lần dự kiến. Khán phòng phải kê thêm nhiều ghế cho những người đến đột xuất. Họ kỳ vọng nhận được nhiều nhận định, đóng góp và đề xuất đáng giá từ những tên tuổi hàng đầu trên thị trường.

Trong khán phòng không có sân khấu nhìn xuống, lần này các doanh nhân, diễn giả cùng ngồi đối diện với nhau để trò chuyện. Các doanh nhân bày tỏ, đây chỉ đơn giản là buổi chia sẻ tâm tư của những doanh nhân – những người đứng mũi chịu sào trong lĩnh vực.

Doanh nghiệp e ngại pháp lý

Phiên thảo luận đầu tiên của diễn đàn do bà Bùi Kim Thuỳ – thành viên của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN là người điều phối chính. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho hai diễn giả là những nhận định về tình hình bất động sản Việt Nam trong 10 năm qua.

Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết, từ góc nhìn của một nhà tư vấn, kiểm toán, thị trường bất động sản là cánh chim báo bão của một nền kinh tế, ảnh hưởng đến nhiều ngành và nhiều lao động.

Bà nhận định, sau dịch bệnh sẽ là một làn sóng chuyển dịch mới trên phạm vi toàn cầu, điều này đặt ra câu hỏi là liệu ngành bất động sản Việt Nam có đủ thay đổi để đón làn sóng này hay không, nhất là bất động sản công nghiệp và văn phòng.

Thực tế cho thấy, 10 năm qua là sự phát triển nỗ lực từ mặt luật pháp với Luật đất đai năm 2013, sau đó Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư 2014, mà một loạt Luật tiếp sau đã vênh với Luật năm 2013, vừa là lực đỡ nhưng cũng là lực cản cho bất động sản.

“Có thể thấy rằng, khung pháp lý đang được hoàn thiện nhưng vẫn đi sau hơi thở, dòng chảy, xu thế của thị trường bất động sản”, bà Hà Thu Thanh nói.

Đồng tình với ý kiến của bà Thanh, câu chuyện pháp lý được các doanh nhân xoáy sâu hơn trong phiên 1 với những câu chuyện thực tế mà mỗi doanh nghiệp gặp phải.

“Doanh nghiệp nghĩ tới pháp lý là sợ”, Chủ tịch FLC nói. Theo ông Quyết, 10 năm thăng trầm của bất động sản có thể khái quát chung thành 2 giai đoạn, và thăng hoa nổi bật trong 6 năm trở lại đây. “Nếu như trước đây, toà FLC tại Mỹ Đình là một trong những toà nhà hiếm hoi sáng đèn thì bây giờ, chỉ cần nhìn từ toà tháp đôi của FLC tại Cầu Giấy ra toàn cảnh khu vực Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm Trung Hoà, có hàng nghìn toà nhà, xây san sát, bình quân trên dưới 30 tầng”, Chủ tịch FLC nói thêm, cho rằng đó là tín hiệu tích cực của thị trường trong một thập niên.

Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, ông nhận định tính pháp lý đóng vai trò rất quan trọng, hầu hết mọi sự cố gần như dính đến pháp lý. “Luật pháp đi theo thị trường nhưng lại khá chậm trễ”, vị Chủ tịch bày tỏ. Ông lấy ví dụ: “Có những dự án đầu tư hàng trăm hecta, đầu tư xong được hướng dẫn đấu thầu, xong đến đấu giá, mỗi nơi một cách hiểu khác nhau, doanh nghiệp khốn khổ nhưng phải chấp nhận”. Đơn cử với FLC Sầm Sơn, khởi công năm 2015, FLC mất 11 tháng vừa hoàn thiện pháp lý về giấy tờ thủ tục vừa thi công cho từng công đoạn ép cọc, xây thân…, “n thứ trong 1”.

Bà Bùi Kim Thuỳ tại sự kiện.
Bà Bùi Kim Thuỳ tại sự kiện.

“Với cơ chế như bây giờ khi không cho phép vừa xây vừa xin giấy phép, phải mất ít nhất 3 năm mới đủ giấy phép để thi công sau khi hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý”, ông Quyết cho biết. “Pháp lý hiện tại ngày càng khó khăn, doanh nghiệp nghĩ đến pháp lý là sợ”

Vấn đề pháp lý khiến không khí hội trường trở nên mỗi lúc một nóng với các phản hồi từ các diễn giả khác. Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đồng tình rằng pháp lý là “bệnh nền” nguy hiểm, dễ dẫn đến việc doanh nghiệp khủng hoảng nhanh hơn trong Covid-19. Theo ông, Covid-19 dạy nền kinh tế nhiều bài học, nhìn vào thế giới và soi vào Việt Nam để thấy những vấn đề tồn tại nay mới lộ rõ.

Điểm nhấn trong phiên 1 là sự xuất hiện của ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Vị doanh nhân cho biết “đây là lần đầu tiên dự hội nghị về bất động sản” khiến cả hội trường ngạc nhiên và vỗ tay cổ vũ. Ông cũng tiếp lời ông Quyết về vấn đề pháp lý bằng chia sẻ thật lòng về những vướng mắc dở khóc dở cười mà tập đoàn gặp phải. Ông lấy dẫn chứng, có khu đất của Tân Hoàng Minh mua từ năm 2007, nhưng đến giờ vẫn chưa xây sau 14 năm chờ giải toả mặt bằng, thực hiện các loại thủ tục.

Lý giải về lý do giá nhà đất tăng cao suốt 5 năm qua, Chủ tịch Tân Hoàng Minh nhận định nguyên nhân một phần là do chính sách và quy định tín dụng của ngân hàng liên tục thay đổi. 
Theo ông, tâm lý của người Việt Nam là muốn ở nhà riêng, nên nhu cầu với thị trường bất động sản rất lớn, nếu Chính phủ và các địa phương rút ngắn thời gian làm thủ tục, sát nhập những quy định gần nhau làm một, có thể tạo điều kiện để bất động sản phát triển. 
Một vấn đề khác cũng được ông nêu ra đó là việc các doanh nghiệp bất động sản thành lập tràn lan như hiện nay rất nguy hiểm. “Nếu không có nhiều đất, không có chiến lược định vị thương hiệu thì không nên làm, vì làm rồi thì cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Bà Hà Thu Thanh.
Bà Hà Thu Thanh

Vị doanh nhân nhận định, nói bất động sản Việt Nam trầm nhưng thực ra là chưa phát triển hết khả năng. Nếu không vướng mắc pháp lý thì tiến độ xây dựng tiến độ dự án sẽ nhanh hơn rất nhiều. “Tôi muốn thủ tục hành chính ngắn gọn lại trong vòng một năm thôi. Chính sách của Chính phủ phải cập nhật với thị trường từng năm để có thể điều chỉnh kịp thời. Nếu nhu cầu thay đổi thì Chính phủ cũng phải linh hoạt thay đổi”.

Lạc quan về tương lai

Phiên thảo luận thứ hai về “Xu hướng sắp tới” của thị trường bất động sản do Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương điều phối tiếp tục sôi nổi với các dự báo đầy lạc quan.

Nói về thị trường bất động sản trong những năm tới, ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Tập đoàn Alphanam tóm gọn lại trong câu “cái nguy của người nọ là cái cơ của người kia”. Đồng tình với điều này, ông Nguyễn Cảnh Hồng,Tổng giám đốc Công ty Eurowindow, cũng tin rằng thời gian tới, các chính sách sẽ dần hoàn thiện hơn, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bất động sản “rộng đường” phát triển.

Còn ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trẻ tin rằng trong ngắn hạn hết năm nay sẽ có khởi sắc nhưng khá thấp vì hiện có nhiều kênh đầu tư tốt hơn. Người dân tâm lý vẫn chờ bất động sản xuống giá. Tuy nhiên bất động sản vẫn có cơ hội từ dân số trẻ, nhu cầu nhà ở nhiều, mức sống người dân tăng cao. Riêng bất động sản du lịch là kênh có tốc độ tăng giá nhanh nhất.

Tương tự, vị lãnh đạo FLC khẳng định tiếp tục lạc quan vào bất động sản, như quan điểm nhất quán của ông trong suốt 10 năm qua. Theo ông, bây giờ là thời điểm vàng để những người từ tích lũy ít đến đầu tư lớn mua bất động sản. Giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn.

Bên cạnh sự lạc quan, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam không quên cảnh báo diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay khác với năm 2010. Covid-19 làm thay đổi nhận thức, ý thức, ứng xử của khách hàng. Người có tiền vẫn xuống tiền để mua nhà, chứ không tiết kiệm như trước đây, ông nhận định. Trong thời gian ngắn, bất động sản là nhu cầu thiết yếu, nhưng vẫn cần suy tính đến nhu cầu tương lai với nhà ở tiêu chuẩn cao hơn so với bây giờ, đặc biệt là sản phẩm nhà thông minh. Theo ông, không thể áp dụng giải pháp như năm 2010, mà cần phải suy nghĩ khác đi.

Giới doanh nhân cũng đưa ra nhiều kiến nghị tại sự kiện để Ban tổ chức tập hợp, gửi đến Chính phủ ngay sau buổi toạ đàm. Đề cập đến chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, ông Võ Trí Thành nhận định đã có nhiều hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản giãn, hoãn thuế, các gói hỗ trợ về gia hạn tiền thuế và thuê đất, hiện kiến nghị miễn giảm thuế phí, đang trình Quốc hội, Thủ tướng.

Song từ góc độ doanh nghiệp, Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh khẳng định trong Covid-19, doanh nghiệp vẫn ổn. “3 tháng không bán nhà, chúng tôi không sao, thậm chí giá nhà vẫn lên”, ông Dũng nói và cho rằng một doanh nghiệp khó khăn chỉ 3 tháng mà phá sản hay kêu cứu là yếu kém, nên loại bỏ.

Ông hoan nghênh việc các ngân hàng giảm lãi vay cho doanh nghiệp nhưng nên ưu tiên cho các ngành nghề khác thay vì bất động sản. Thay vào đó, giải quyết các vấn đề thủ tục, cấp phép đầu tư với doanh nghiệp bất động sản còn quý hơn vàng.

Về quy hoạch, ông Dũng kiến nghị cần điều chỉnh cục bộ theo khu vực sẽ tốt cho đầu tư mà vẫn không làm thay đổi quy hoạch chung. Xu hướng phát triển hiện nay rất nhanh, chỉ vài năm, những vùng sâu vùng xa bỗng trở nên “sốt đất” vì có một con đường chạy qua. “Nên điều chỉnh quy hoạch 2 năm là hợp lý thay vì 5 năm như hiện nay”.

Theo Vnexpress

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *