Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ nhanh thủ tục thành lập Khu kinh tế Long An

Kiến nghị thành lập Khu kinh tế Long An được Thủ tướng chấp thuận, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Long An các thủ tục nhanh nhất có thể.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 25-7, lãnh đạo tỉnh Long An đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ủng hộ thành lập Khu kinh tế Long An thuộc địa bàn hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước.

Lý do mà Long An đưa ra là dự án này phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Vị trí khu kinh tế này rất thuận lợi khi nằm ở cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có đường vành đai 4 TP.HCM đi qua. Ngoài yếu tố này, dự án cũng thuận lợi trên cả đường thủy nội địa, đường biển, đường bộ và liên kết chặt chẽ trong chuỗi phát triển kinh tế công nghiệp – đô thị – dịch vụ.

Đây cũng là dự án hiện nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và nước ngoài.

Các bộ, ngành tham gia buổi làm việc cũng thể hiện quan điểm đồng tình với kiến nghị này của tỉnh Long An và Thủ tướng cũng thể hiện sự đồng tình.

“Đề nghị Văn phòng Chính phủ nêu rõ trong kết luận của Thủ tướng để các bộ, ngành cùng lập thủ tục thành lập khu kinh tế tại huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thành các thủ tục nhanh nhất có thể”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng tình với các kiến nghị khác của Long An về việc sớm bố trí kinh phí hỗ trợ các hộ dân ảnh hưởng cắm mốc biên giới. Đồng thời, bố trí vốn thực hiện đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) – Đức Hòa (tỉnh Long An) – Mỹ An (tỉnh Đồng Tháp) và quốc lộ N1 kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM qua Đông Nam Bộ đi các tỉnh Tây Nguyên và hỗ trợ vốn đầu tư các dự án kè phòng chống sạt lở trên địa bàn tỉnh Long An.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Long An phải luôn chủ động, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm chi phí để thực hiện các dự án trên tinh thần trung ương và địa phương cùng làm, tránh ỷ lại.

5 thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn nhất Việt Nam

3/5 thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn nhất cả nước nằm tại khu vực phía Nam.

Thành phố Biên Hòa

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, dân số Biên Hòa đạt khoảng 1,1 triệu người. Hiện, thành phố Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất Việt Nam, có tốc độ gia tăng dân số hàng năm lớn nhất Đồng Nai.

Thành phố Biên Hòa cách trung tâm TP. HCM 30 km, cách TP Vũng Tàu 90 km. Thành phố Biên Hòa hiện là đầu mối giao thông lớn trong vùng kinh tế phía Nam, tập trung đông khu công nghiệp.

Theo UBND tỉnh, dự báo quy mô dân số của TP.Biên Hòa đến năm 2030 khoảng 1,5-1,6 triệu người, do đó quy hoạch đất xây dựng từ 19,5-20 ngàn ha. TP.Biên Hòa có diện tích đất tự nhiên là hơn 26.360ha, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đều thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của đô thị loại I. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, TP.Biên Hòa có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương để khai thác các tiềm năng, lợi thế.

Thành phố Huế

Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế có dân số đạt khoảng là 652,57 nghìn người, là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn thứ 2 cả nước. Thành phố Huế có mật độ dân số đạt 2.453 người/km². Nằm gần dãy núi Trường Sơn, khu vực thành phố Huế là đồng bằng thuộc vùng hạ lưu sông Hương, có độ cao trung bình khoảng 3 – 4 m so với mực nước biển.

Thành phố Huế nằm ở vị trí trung tâm của đất nước, trên trục Bắc – Nam của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, gần tuyến hành lang Đông – Tây của tuyến đường Xuyên Á, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ với các trung tâm kinh tế đang phát triển…, có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối dễ dàng với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Thành phố Thuận An

Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương có dân số đạt khoảng 623,75 nghìn người, đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn thứ 3 cả nước. Trong những năm qua, thành phố Thuận An đã tập trung chỉ đạo, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để khai thác tối đa lợi thế về vị trí, tiềm năng.

Đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng, tạo nền tảng sớm đưa TP.Thuận An trở thành trung tâm đô thị – dịch vụ, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị bền vững gắn với hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

TP.Thuận An đặt mục tiêu khai thác tối đa lợi thế về vị trí, tiềm năng, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh hạ tầng, cải tạo chỉnh trang đô thị đạt các tiêu chí đô thị loại I gắn với phát triển ngành dịch vụ.

Thành phố Thanh Hóa

Thành phố Thanh hóa, tỉnh Thanh Hóa có dân số đạt khoảng 610 nghìn người, đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn thứ 4 cả nước.

Thành phố Thanh Hóa nằm hai bên bờ sông Mã, có vị trí, cảnh quan sinh thái rất thuận lợi, khí hậu khá ôn hòa. Nằm ở cực Bắc Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560km về phía Nam. Thành phố Thanh Hóa cách sân bay Sao Vàng 45 km về phía Tây, cách Khu kinh tế Nghi Sơn 80km về phía Nam, cách thành phố biển Sầm Sơn 16km về phía Đông, có cảng Lễ Môn.

Thành phố Thanh Hóa nằm trong vùng ảnh hưởng của những tác động từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi như: đường sắt xuyên Việt, các quốc lộ 1A, 45, 47; cảng Lễ Môn và hệ thống sông ngòi dày đặc.

Nhờ đó, thành phố Thanh Hóa đã trở thành trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời ở vào vị thế thuận lợi trong việc giao thương với tất cả các tỉnh trong nước.

Thành phố Tân Uyên

Thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có quy mô dân số 466,053 nghìn người, đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn thứ 5 cả nước. Thành phố Tân Uyên giáp các thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Với vị trí địa lý đặc biệt, thành phố Tân Uyên là địa bàn quan trọng của tỉnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trên địa bàn thành phố có hệ thống giao thông đối ngoại, giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh, thành phía Nam; có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của thành phố, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.

Long An xây dựng chiến lược thu hút đầu tư Nhật Bản

Tỉnh Long An đang nỗ lực phát triển nhân lực, cải cách thủ tục hành chính và hạ tầng dịch vụ để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.

6 tháng đầu năm, tỉnh Long An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 39 dự án FDI. Tuy nhiên trong tổng số 10 tỷ USD, vốn từ các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 10%.

Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Nhật Bản và Long An vừa được tổ chức. Nổi bật là chính sách phát triển nhân lực giữa 2 bên, sẽ có hàng ngàn lao động địa phương được tiếp cận môi trường làm việc tại Nhật Bản.

“Chúng tôi rất cần lao động, khi lao động Long An qua Nhật Bản, các bạn sẽ được học ngoại ngữ, hoàn thiện kỹ năng sau đó quay về Long An làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Oigawa Kazuhiko, Thống đốc tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, cho biết.

“Long An cũng muốn phối hợp giữa hai nước phát triển thị trường lao động, trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tìm hiểu, học hỏi thêm những kiến thức để mang về phục vụ cho tỉnh Long An”, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho hay.

Thành phố Tân An, tỉnh Long An

Cải cách thủ tục hành chính, nhanh, tinh gọn cũng là khâu then chốt để Long An tạo được sức hút với các doanh nghiệp FDI.

Để tạo sức hút mạnh hơn với nguồn lực đến từ Nhật Bản, tỉnh Long An còn tập trung đào tạo được nguồn nhân lực biết ngoại ngữ; có khu đô thị cho các chuyên gia, doanh nghiệp qua sống, làm việc.

“Chúng tôi cần nhân lực biết ngoại ngữ để tiếp cận máy móc công nghệ cao. Thứ hai, khi người Nhật qua đây khoảng trên dưới 30 tuổi thì kèm theo gia đình, nên họ cần khu đô thị văn minh, phù hợp”, ông Matsumoto Nobuyuki, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, nói.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cũng nhận định, Long An là địa phương có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư khi quỹ đất dành cho sản xuất còn nhiều; cơ chế thông thoáng. Đây cũng là địa phương có các nhà đầu tư Nhật Bản dẫn đầu khu vực ĐBSCL.

Long An – Bến đỗ của các dự án logistics

Long An nằm tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, cầu nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tỉnh có 37 khu công nghiệp (KCN) (xếp thứ 5 cả nước về quy mô, xếp thứ 13 về thu hút vốn FDI và xếp thứ 3 về thu hút vốn trong nước), có khu kinh tế cửa khẩu và cảng quốc tế. Trong những năm gần đây, các KCN của tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực kho bãi, logistics và đây là một ngành dịch vụ quan trọng đóng vai trò hỗ trợ công nghiệp sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH).

Còn nhiều thế mạnh khai thác

Tỉnh Long An có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phân bố đều, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển thương mại, giao thương, dịch vụ logistics,… còn ở mức độ cơ bản, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác và phát huy hết thế mạnh. So với sự phát triển công nghiệp lâu đời ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, công nghiệp của tỉnh Long An chỉ mới bắt đầu phát triển mạnh trong những năm gần đây và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp cũng vậy, trong đó logistics là một trong những lĩnh vực gắn liền, hỗ trợ cho phát triển công nghiệp. Theo đánh giá chung, các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đa phần sử dụng dịch vụ logistics ở các nơi khác như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… hàng hóa xuất khẩu đa phần qua các cảng ở Hiệp Phước, Cát Lái,… Trong khi đó, khá ít doanh nghiệp biết và sử dụng dịch vụ ở Cảng Quốc tế Long An mặc dù Cảng có nhiều lợi thế cạnh tranh về chi phí và dịch vụ.

Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông

Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống các tuyến đường kết nối để phục vụ sự lưu thông hàng hóa ngày càng tăng. Các tuyến huyết mạch kết nối đã hoàn thành và đang tiếp tục nâng cấp như tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương, ĐT 830, Quốc lộ N2, Vành đai 4 và các tuyến kết nối liên tỉnh giữa Long An và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sự phát triển của các KCN cũng góp phần tăng cường sự phát triển của các tuyến giao thông; mạng lưới giao thông nội bộ KCN không chỉ giúp kết nối các tuyến đường giao thông công cộng mà còn kết nối giữa KCN với KCN liền kề, kết nối liên vùng với TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh (đối với một số KCN nằm giáp ranh).

Trong quy hoạch phát triển giao thông – vận tải định hướng đến năm 2030, tỉnh phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, tăng cường tính kết nối các trung tâm đô thị lớn, các trung tâm tăng trưởng và các khu vực trong tỉnh với nhau. Phát triển mạng lưới giao thông hiệu quả, gắn kết mạng lưới giao thông vùng, tạo điều kiện cho tỉnh trở thành cửa ngõ thực sự kết nối Vùng ĐBSCL và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hình thành chuỗi hệ thống giao thông, bảo đảm thông suốt, phục vụ nhu cầu vận tải của người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ phát triển KT-XH địa phương.

Hiện các KCN trên địa bàn có khoảng 60 dự án đầu tư liên quan đến hoạt động logistics nhằm khai thác, phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong và ngoài KCN. Thời gian gần đây, các KCN trên địa bàn tỉnh Long An đã thu hút được nhiều nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, lưu giữ hàng hóa như Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW đã thuê lại quyền sử dụng đất 22,6ha tại KCN Vĩnh Lộc 2 và 20,4ha tại KCN Xuyên Á để xây dựng nhà kho cho thuê. Công ty sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 213.000m2 nhà kho xây sẵn hai tầng có ram dốc tại KCN Vĩnh Lộc 2 và trong quý IV/2023 sẽ cung cấp ra thị trường 220.000m2 nhà kho xây sẵn hai tầng có ram dốc tại KCN Xuyên Á. Công ty TNHH JD Property Việt Nam cũng đã động thổ dự án JD Property Logistics Park tọa lạc tại KCN Tân Đức với tổng diện tích đất 101.130m2. Diện tích cho thuê linh hoạt từ 6-5ha, dễ dàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách thuê thuộc nhiều ngành nghề,…

Ngoài các dịch vụ về kho bãi, tỉnh Long An còn có thế mạnh khác về nhà xưởng xây sẵn như hệ thống nhà xưởng xây sẵn của Công ty CP Kizuna, Công ty cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam,… hệ thống nhà xưởng xây sẵn cao tầng tại KCN Long Hậu, KCN Thuận Đạo, Phúc Long,…

Bên cạnh các nhà cung cấp dịch vụ, Ban Quản lý Khu kinh tế Long An và các cơ quan nhà nước tỉnh Long An luôn phối hợp tích cực với các doanh nghiệp tích cực triển khai chương trình kết nối xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm trong các KCN trên địa bàn Long An. Cụ thể, Ban Quản lý Khu kinh tế Long An đã phối hợp với Công ty cổ phần Long Hậu (LHC), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu dành cho các doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất”. Ngoài ra, Ban còn tham gia các hội chợ công nghiệp hỗ trợ cùng với những hoạt động xúc tiến khác góp phần khơi thông dòng chảy hàng hóa.

Với chiều dài 2,3km, cảng Quốc tế Long An là cảng biển có chiều dài liên tục bờ cảng đứng đầu Việt Nam

Hệ thống cửa khẩu, cảng quốc tế với nhiều tiềm năng phát triển

Long An có hai cửa khẩu với nhiều tiềm năng phát triển, gồm: Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp; Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây. Tại khu vực Cửa khẩu Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường có Khu kinh tế cửa khẩu Long An, từng bước khai thác hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng về lao động, vị trí kết nối với Campuchia và các tỉnh lân cận vùng Đồng Tháp Mười. Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, Khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút được 2 dự án có vốn FDI, tổng vốn đầu tư 75 triệu USD với diện tích 21,2ha và 02 dự án trong nước thuê 0,66ha đất. Tỉnh cũng tiếp tục kiến nghị với Trung ương quan tâm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 62 với quy mô lớn hơn nữa để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng do hoạt động liên vận; và đây là tuyến đường duy nhất kết nối Khu kinh tế với khu vực.

Bên cạnh đó, Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây tại huyện Đức Huệ có nhiều thuận lợi khi giáp với 2 địa phương trọng điểm về kinh tế công nghiệp là Đức Hòa và Bến Lức. Khu vực cửa khẩu cũng đã được tỉnh quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống giao thông, gồm trục đường ĐT 822B nối Đức Huệ với Đức Hòa đi TP.Hồ Chí Minh; đường Vành đai 4,… cũng như trục giao thông kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây với Cảng Quốc tế Long An.

Nằm về phía Đông tỉnh Long An, nơi tập trung khá nhiều các KCN, cảng Quốc tế Long An được đầu tư, nâng cấp để bảo đảm vừa xây dựng, vừa khai thác, nhằm đáp ứng khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 tấn. Cảng quy hoạch mở rộng thành 8 bến cầu cảng và 1 cầu cảng chuyên dụng phục vụ khai thác hàng lỏng cùng với 3 bến phao neo đậu tàu. Hiện nay, Cảng tập trung triển khai xây dựng và chuẩn bị cho kế hoạch lắp đặt các thiết bị cẩu hiện đại, tiên tiến nhất nhập khẩu từ Nhật Bản, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023. Với kỳ vọng, khu vực sẽ trở thành trung tâm logistics quan trọng trong vùng, Cảng Quốc tế Long An đề xuất xây dựng “Tàu buýt container” với bến đỗ là Cảng Quốc tế Long An. Từ Cảng sẽ có các xà lan, các chuyến tàu liên kết mật thiết với các cảng khác trong khu vực để vận chuyển hàng hóa trong các container tập trung về bến cuối là Cảng Quốc tế Long An và từ đó tiếp tục lưu thông với quốc tế. Khi đó, không chỉ sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp so với đường bộ mà còn có thể vận chuyển được các mặt hàng siêu trường, siêu trọng, quá khổ,… mà đường bộ khó đáp ứng.

Tất cả những điều kiện trên rất thuận lợi cho tỉnh để phát triển dịch vụ logistics, giao thương, kết nối, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, nhìn chung mức độ phát triển đối với lĩnh vực này còn khá nhiều khiêm tốn, chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, với nhiều tiềm năng chưa được khai thác như các thế mạnh công nghiệp, kinh tế biên mậu, cảng biển,… Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối, tạo thêm quỹ đất công nghiệp sạch, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư công nghiệp, dịch vụ nhằm khai thác tối đa những lợi thế có sẵn. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường.