Đầu tư 50.000 tỷ đồng, Bình Dương sẽ có tuyến đường sắt kết nối 5 đô thị

Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường sắt nối 5 đô thị tại Bình Dương, trong đó được trích hơn 12.000 tỷ đồng dùng chi phí giải phóng mặt bằng.

Ngày 19/8, thông tin từ đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đang nghiên cứu lựa chọn tư vấn nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt quy mô lớn kết nối 5 đô thị.

Cụ thể, Dự án xây dựng tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình sẽ đi qua huyện Bàu Bàng, TX Bến Cát, TP Tân Uyên, TP Thuận An và TP Dĩ An dài 52,2km gồm 6 ga: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng và 4 trạm khách gồm: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến sử dụng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc đối tác công – tư (PPP). Dự kiến khởi công trong quý II/2027 và hoàn thành vào năm 2030.

Dự kiến vị trí đường sắt sẽ đi qua

Tỉnh Bình Dương hiện tại có 4 thành phố gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và Tân Uyên; ngoài ra dự kiến trong năm nay, thị xã Bến Cát sẽ trở thành thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương. Hiện tại, Bình Dương còn 4 huyện gồm: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2023 ước tăng 2,3% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ. Thương mại – dịch vụ, lũy kế 7 tháng, đạt 174.820 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Mô phỏng tuyến đường sắt trong tương lai tại tỉnh Bình Dương

Cũng trong 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đạt 17,8 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Về cán cân thương mại tỉnh Bình Dương đang duy trì thặng dư thương mại (xuất siêu) đạt hơn 5 tỷ USD trong 7 tháng qua.

Theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn, nhìn chung về hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đang duy trì ở một số ngành đạt mức tăng khá; khu vực dịch vụ có nhiều bước khởi sắc khi hầu hết các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí sôi động trở lại; sản xuất nông nghiệp ổn định, một số hàng hóa nông sản có năng suất, chất lượng và giá cả hợp lý.

Hàng hóa được cung ứng đảm bảo nhu cầu của người dân, đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tương đương cùng kỳ nhưng số vốn giải ngân gấp 2,5 lần.

Để phát triển kinh tế, xã hội, Bình Dương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Quý IV sẽ khởi công cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 338/TB-VPCP ngày 19/8/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đã đoàn kết, quyết tâm cao, tư duy đột phá, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2022, quy mô kinh tế xếp thứ 1/13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 12/63 địa phương cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,46%; sản xuất công nghiệp tăng 9,32%; thu nhập bình quân đạt 90,2 triệu đồng/người/năm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 10/63 địa phương; thu hút trên 1200 doanh nghiệp FDI với số vốn đầu tư trên 10 tỷ USD (đứng thứ 5/63 địa phương).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, GRDP tăng 3,43%; sản xuất công nghiệp tăng 3,38%; nông nghiệp tăng trưởng cao và phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả. Long An là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh những thành tựu mà Tỉnh đã đạt được, Long An vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, giải quyết nhà ở công nhân còn chậm; một số công trình, dự án triển khai còn chậm tiến độ; chưa khai thác hết lợi thế về vận tải, logistics,…

Thực hiện hiệu quả chiến lược trọng tâm để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Long An

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Long An thực hiện hiệu quả chiến lược trọng tâm để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Long An dựa trên các trụ cột: Nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; Công nghiệp xanh, công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng là đột phá; Dịch vụ-logistics hiện đại là bệ đỡ, đưa Long An trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực; đẩy mạnh thương mại điện tử; Thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, đô thị đồng bộ, hiện đại.

Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Chủ động, tích cực tham gia hoạt động liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối hiệu quả với trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, kết nối với ASEAN qua khai thác tốt lợi thế đầu mối kết nối với Campuchia. Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiệu quả. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); trong đó chú trọng khai thác tốt thị trường nội địa trên địa bàn và thị trường quốc tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kiểm tra đôn đốc, nắm tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc của các mỏ đất, mỏ đá làm nguyên liệu thi công các tuyến đường.

Triển khai quyết liệt 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phương thức hợp tác công tư; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.

Khởi công đoạn tuyến cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) – Đức Hòa (Long An) trong quý IV năm 2023

Đối với kiến nghị của Tỉnh về thành lập Khu kinh tế Long An ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ tướng Chính phủ giao: Ủy ban nhân dân tỉnh Long An lập hồ sơ thành lập khu kinh tế theo đúng quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây (đoạn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước – Đức Hòa, tỉnh Long An): Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan theo đúng quy định để khởi công đoạn tuyến này trong quý IV năm 2023, hoàn thành năm 2025.

Về đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ N2 (đoạn Đức Hòa, tỉnh Long An – Mỹ An, tỉnh Đồng Tháp): Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đề xuất phương án đầu tư phù hợp theo đúng quy định, theo tinh thần Trung ương và địa phương cùng làm, tỉnh Long An nỗ lực tăng thu, tiết kiệm chi để có nguồn lực triển khai, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2023.

Về hỗ trợ vốn đầu tư dự án Kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây, thành phố Tân An và dự án Kè chống sạt lở thị xã Kiến Tường: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Long An để hỗ trợ đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy trình, quy định trước ngày 25/8/2023./.

Ngân hàng ồ ạt thông báo giảm lãi suất cho vay

Trong thời gian gần đây, một loạt ngân hàng đã thông báo triển khai mới hoặc mở rộng các gói hỗ trợ lãi suất cho vay đối với nhiều đối tượng khách hàng.

Mới đây, Vietcombank thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Vietcombank lưu ý, việc giảm lãi suất lần này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…

Trước đó, Vietcombank cũng đã triển khai 2 chính sách giảm lãi suất cho vay khách hàng. Đợt 1 là từ ngày 1/1 – 30/4 Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Đợt 2, từ ngày 1/5 – 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.

Agribank cũng mới triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng xuất, nhập khẩu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Ngoài ưu đãi về lãi suất, các khách hàng tham gia chương trình còn được hưởng ưu đãi hấp dẫn về tỷ giá mua bán ngoại tệ, phí dịch vụ.

Đối tượng áp dụng của chương trình là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiệt bị, xăng dầu, hoá mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…). Chương trình áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn với phương thức cho vay đa dạng phù hợp với nhu cầu vốn lưu động của từng doanh nghiệp tham gia chương trình.

Với VietinBank , ngân hàng này vừa tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME UP lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi mới chỉ từ 6,8%/năm.

Cụ thể, các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VND, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31/12/2023 sẽ được tham gia chương trình. Gói ưu đãi áp dụng cho các doanh nghiệp SME lần đầu vay vốn tại VietinBank hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua. Điều đặc biệt ở gói ưu đãi này là khi dư nợ của doanh nghiệp SME ngày càng tăng thì lãi suất cũng được giảm tương ứng.

Tại BIDV, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước.

Theo đó, các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.

Trước đó, thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về triển khai chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; BIDV đã triển khai gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với mức thông thường của các ngân hàng.

Đồng thời, kể từ 01/06/2023, BIDV đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay tới 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh trước đó. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023 BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại Ngân hàng.

Bên cạnh nhóm ngân hàng quốc doanh, các nhà băng tư nhân cũng tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn.

Theo đó, MSB vừa thông báo chương trình giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân. Chương trình được áp dụng từ nay đến hết 31/12/2023 đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí,… Với chính sách lãi suất hấp dẫn, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99%/ năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.

Mới đây, Sacombank cũng thông báo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân nhằm tiếp sức hỗ trợ người dân, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống từ nay đến cuối năm 2023.

Cụ thể, Sacombank dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm. Đối với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.

OCB vừa triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất áp dụng cho khách hàng có nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mua nhà đất và ô tô với hạn mức 5.000 tỉ đồng. Theo đó, từ tháng 8, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%. Khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5% một năm.

Trước đó, từ tháng 6, ngân hàng này đã tung hai gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức lên đến 12.000 tỷ đồng. Trong tháng 7, ngân hàng cũng giảm lãi suất vay hơn 1% cho tất cả các mục đích vay. Lãi suất vay thông thường của ngân hàng này hiện trong mức 9,5% với ngắn hạn và 10,7% với trung dài hạn.

Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng đã triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm so với lãi suất thông thường. Thời gian áp dụng từ ngày 04/8 – 31/12/2023.

Theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán VnDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

“Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới”, VnDirect đánh giá.

Bình Dương đôn đốc công tác đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương liên tục kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm. Tiến độ các dự án đang được đốc thúc triển khai nhanh hơn để công tác đầu tư công được hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và cả nước nói chung.

Quyết tâm thực hiện các dự án

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa làm việc với các sở, ngành. Doanh nghiệp và địa phương liên quan đến tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án giao thông trọng điểm đối với sự phát triển của tỉnh và của cả vùng Đông Nam Bộ.

Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương và đơn vị thi công nhanh chóng triển khai các giải pháp. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.

Đối với các địa phương, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đến hiện trường để nắm bắt tình hình thi công. Kịp thời động viên các đơn vị thi công cố gắng, nỗ lực tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Lợi cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với ngành điện lực di dời lưới điện ở các dự án đảm bảo có mặt bằng để thi công kịp thời.

Bí thư tỉnh Bình Dương đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy. UBND tỉnh tổ chức đoàn thường xuyên đi kiểm tra các công trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bí thư tỉnh Bình Dương đề nghị, trong tháng 9.2023. Phải khởi công hết các gói thầu thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Phấn đấu tháng 10.2025 hoàn thành tuyến đường này để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Đến 30.9.2023, phải bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Đồng thời, cuối năm 2023 phải di dời toàn bộ lưới điện trên đoạn đường nâng cấp, mở rộng này.

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa. Tháng 10.2023 phải xong công tác giải phóng mặt bằng, cuối năm 2023 phải di dời xong toàn bộ lưới điện thuộc dự án. Đối với dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đơn vị thi công phải hoàn thành vào cuối năm 2023 theo như chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Khẩn trương thực hiện các dự án trọng điểm

Theo ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra tình hình thi công các công trình trên. Trong quá trình làm việc, UBND tỉnh đã nhắc nhở chủ đầu tư và đơn vị thi công nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo báo cáo Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong. Đến nay, đoạn qua địa bàn thành phố Thuận An đã bàn giao mặt bằng đạt khoảng 76% trên tổng diện tích. Đoạn qua địa bàn thành phố Thủ Dầu Một đã bàn giao mặt bằng đạt 96% trên tổng diện tích. Tổng số tiền đã chi đền bù giải phóng mặt bằng là 730,3 tỉ đồng, đạt khoảng 88%.

Công trường đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương thực hiện. Ảnh: Đình Trọng

Đối với Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh (giai đoạn 1), đã hoàn thiện công tác đấu thầu. Tổ chức động thổ gói thầu nút giao Bình Chuẩn, dự kiến sẽ động thổ gói thầu cầu Bình Gửi trong tháng 8.2023.

Đối với 2 gói thầu còn lại (nút giao Tân Vạn, xây dựng đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn) đang được khẩn trương thực hiện công tác khảo sát. Thiết kế và trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định theo quy định, dự kiến động thổ trong tháng 9 – 10.2023.

Hiện dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đoạn qua Bình Dương đã thực hiện chi trả giải phóng mặt bằng với tổng số tiền 1.865 tỉ đồng trên tổng số 2.548 tỉ đồng, đạt 73%.

UBND các thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An đang khẩn trương rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục chi trả tiền bồi thường và phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng để triển khai thi công dự án theo kế hoạch.

Ngoài hai dự án trên, hiện tỉnh Bình Dương cũng đang nhanh chóng thực hiện pháp lý dự án đường Vành đai 4 – TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 1). Dự kiến cuối quý IV.2023 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, đầu năm 2024 sẽ khởi công dự án.

Đối với đường cao tốc TPHồ Chí Minh – Chơn Thành, UBND tỉnh đã có Công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Chơn Thành áp dụng cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan. Theo Nghị Quyết của HĐND tỉnh Bình Dương, dự kiến thời gian hoàn thành dự án trước năm 2030. Phấn đấu thực hiện dự án từ năm 2023 – 2027, đưa vào khai thác cuối năm 2027.

Tỉnh đang khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai tuyến đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Trọng

Ở phía Bắc tỉnh Bình Dương đang triển khai dự án Xây dựng đường từ Tân Thành đến cầu Tam Lập thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng do UBND huyện Bắc Tân Uyên làm chủ đầu tư (chiều dài khoảng 9,32km) cơ bản đã hoàn thành, chủ đầu tư đang triển khai các thủ tục để thực hiện nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng.

Dự án Xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú do UBND huyện Phú Giáo làm chủ đầu tư (chiều dài khoảng 12,15km) được khởi công vào tháng 12.2021 (tiến độ đến nay đạt khoảng 43%. Theo hợp đồng dự kiến hoàn thành vào tháng 4.2024; phấn đấu hoàn thành cuối năm 2023.