Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 – 2%

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Cùng đó, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào. Từ đó, có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Các Ngân hàng thương mại cũng vừa có động thái giảm lãi suất hàng loạt như Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)…, đã thay đổi biểu lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm % so với trước.

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Ngân hàng Nhà nước cần xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Huyện Thủ Thừa: Phát triển kinh tế toàn diện, bền vững

Cùng với khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Thủ Thừa đã và đang huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội theo hướng toàn diện, bền vững và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới trong giai đoạn tiếp theo.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực

Thủ Thừa nằm trong Vùng đệm của tỉnh Long An. Địa hình có nhiều mạng lưới giao thông vận tải đường bộ quan trọng của vùng đi qua như QL1, QL62, QLN2, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương và nhiều tuyến đường tỉnh đi qua như 818, 817, 834, 833,… đặc biệt có kênh Thủ Thừa kết nối sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là tuyến đường thủy rất quan trọng. Thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. Đây là những tiềm năng lớn trong việc lưu thông hàng hóa và phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau 40 năm tái lập (1983 – 2023), cơ cấu kinh tế huyện tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng sang nhóm ngành phi nông nghiệp. Hiện nay, huyện đã hình thành 03 khu công nghiệp, 01 khu công nghệ Môi trường xanh cùng với các tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp mở rộng, năng lực lưu thông kết nối ngày càng đồng bộ.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tập trung chỉ đạo chặt chẽ; cây lúa, cây chanh và các loại cây trồng khác phát triển ổn định. Chương trình đột phá đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII được tiếp tục triển khai. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến theo hướng chú trọng hiệu quả, bước đầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nâng giá trị sản phẩm.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được huyện quan tâm đầu tư xây dựng. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tất cả các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, thương mại – dịch vụ tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng có bước phát triển vượt bậc. Các dự án xây dựng khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định. Nhất là chuyển dịch hiệu quả lao động trong khu vực I sang khu vực II và III. KCN Hòa Bình đang hoạt động hiệu quả, lấp đầy 85,83%.

Mô hình Dự án trụ sở Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Thủ Thừa

Tạo “đòn bẩy” thu hút đầu tư

Xác định “giao thông đi trước mở đường”, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế trong giai đoạn 2020 – 2025. Tỉnh rất quan tâm đầu tư các dự án: Nâng cấp mở rộng ĐT818, ĐT834, 834B, ĐT817 – Đỗ Trình Thoại, tuyến hành lang đường thủy số 2 (Âu tàu – Rạch Chanh, cải tạo kênh Thủ Thừa) thuộc dự án WB5 phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long,… Ngoài ra, mạng lưới điện ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Huyện chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội.

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thủ Thừa đề ra 04 công trình trọng điểm gồm: (1) Cầu qua kênh Bo Bo (bờ Nam kênh T3); (2) Xây dựng Trung tâm văn hóa – Thể thao khu vực phía Bắc của huyện; (3) Đường trục giữa từ thị trấn Thủ Thừa đến QLN2 (giai đoạn 1); (4) Cầu qua kênh Thủ Thừa (bến đò Cây Da, nối xã Tân Thành và Nhị Thành). Đến nay, có 03 công trình đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Riêng công trình Cầu qua kênh Thủ Thừa (bến đò Cây Da, nối xã Nhị Thành và Tân Thành) đã đạt 25%, dự kiến hoàn thành trong quý II/2024.

Mô hình Dự án trụ sở Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Thủ Thừa

Bên cạnh đó, chương trình đột phá nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng được quan tâm thực hiện, nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư triển khai dự án. Qua hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/HU ngày 15/01/2021 của Huyện ủy, huyện đã tổ chức chi bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 580 trường hợp với tổng số tiền là 691,81 tỷ đồng, tổng diện tích đất đã thu hồi 83,01ha, tổng diện tích hạn chế quyền sử dụng đất là 17,851ha; vận động 496 trường hợp hiến đất, tài sản trên đất với kinh phí 10,6 tỷ đồng.

Thông qua đó, góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân cư, đô thị; tạo tiền đề để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp trong các dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, nông thôn mới, quy hoạch chi tiết các khu – cụm công nghiệp, giao thông, khu dân cư, du lịch,… gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bên cạnh sử dụng nguồn lực từ ngân sách, huyện huy động các khoản đóng góp khác để thực hiện công tác quy hoạch chi tiết làm tiền đề cho việc thu hút đầu tư. Công bố, công khai chi tiết quy hoạch trên các phương tiện thông tin, website, tại các trụ sở UBND huyện, xã.

Ngoài ra, tập trung nguồn vốn đầu tư vào các dự án, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện năng lực lưu thông, kết nối. Đồng thời chú trọng giải phóng mặt bằng các dự án: Cải tạo nâng cấp ĐT818 đoạn từ QL1 – QLN2 (bao gồm 15km và 08 cầu; cải tạo nâng cấp ĐT817 (đoạn Mỹ Lạc – Thạnh Phước – Mộc Hóa); khu tái định cư và khu công nghiệp Thủ Thừa; khu dân cư trung tâm hành chính huyện Thủ Thừa – giai đoạn 1,…

Đồng hành với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Sát cánh với các nhà đầu tư giải quyết những khó khăn về thủ tục hành chính và các vướng mắc phát sinh trong hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư một cách thiết thực và hiệu quả. Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin giữa các sở, ngành tỉnh để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Những phát ngôn ấn tượng tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bất động sản

Chiều 03/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp và chuyên gia đã báo cáo, đề xuất nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thông điệp của Hội nghị là chung tay tháo gỡ khó khăn. Vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú báo cáo kết quả triển khai các giải pháp nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Góp phần tháo gỡ thúc đẩy thị trường bất động sản; kết quả triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất một số giải pháp.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn gửi lời cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, lắng nghe. Thấu hiểu và chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch CTCP đầu tư IMG Lê Tự Minh đã nêu quan điểm về vấn đề lãi suất, đánh thuế chống đầu cơ và vướng mắc của xử lý hành chính.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ về tác động tích cực của Nghị quyết 33 đến thị trường bất động sản.

Về phía các chuyên gia, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP. HCM Lê Hoàng Châu cho rằng. Trong Nghị quyết 33/NQ-CP có một điểm ấn tượng là tất cả các chủ thể có liên quan đề cao trách nhiệm chung tay tháo gỡ khó khăn trong thị trường bất động sản.

GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, sự chỉ đạo quyết liệt, có thời hạn. Giải quyết công việc cụ thể của Chính phủ, đặc biệt có những chính sách tháo gỡ như gói tín dụng 120 nghìn tỷ. Đề án 1 triệu nhà ở xã hội… và giải pháp rất kịp thời cho thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục có phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm mạnh

Lãi suất tiết kiệm được dự báo tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng.

Ngày 3-8, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, lãi suất huy động ở các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm. Một số ngân hàng còn giảm lãi suất nhanh đến mức bất ngờ cho người gửi tiền.

Trong biểu lãi suất mới nhất, ABBANK niêm yết lãi suất huy động các kỳ hạn dài cao nhất chỉ còn 6%/năm. Thay vì mức cao nhất là 6,8%/năm trước đó. Các kỳ hạn từ 13-36 tháng chỉ còn 5,4%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm thêm từ 0,5-1,1 điểm % so với hồi cuối tháng 7. Đây là mức giảm mạnh trong những ngày qua. Hiện lãi suất đầu của ABBANK đã về ngang với các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV…

Lãi suất huy động giảm nhanh gây “bất ngờ”

KienlongBank cũng điều chỉnh biểu lãi suất mới nhất theo hướng giảm tiếp lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn. Trong đó, mức lãi suất cao nhất hiện tại chỉ còn 6,7%/năm khi khách hàng gửi dài từ 18-24 tháng. Giảm khoảng 0,5 điểm % so với trước đó. Các mức lãi suất khác từ 6 tháng đến 12 tháng cũng được điều chỉnh giảm so với trước.

Xu hướng hạ lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp diễn trong tháng 7 và kéo dài qua đầu tháng 8. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng. 

Báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán VNDIRECT dự báo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Khi thị trường chịu tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn. Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công. Từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. 

“Lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm. Nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của cơ quan quản lý. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Do đó, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới” – chuyên gia của chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng.

Thống kê đến cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng thương mại nhà nước lùi về mức 6,3%/năm. Giảm 1,1 điểm % so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm % so với đầu năm.

Liên quan đến lãi suất cho vay, Vietcombank cho biết từ 1-8 đến đến hết năm nay sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay tới 0,5 điểm % đối với toàn bộ khoản vay bằng VNĐ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ các khách hàng.