Thứ năm, 06/1/2022 | 10:00 | Tin tức, Tin thị trường
Vốn là tỉnh có xuất phát điểm là kinh tế nông nghiệp và nghề tiểu thủ công nghiệp, nhưng chỉ sau 25 năm tái lập (1.1.1997 – 1.1.2022), Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển năng động với những con số ấn tượng.
Là một địa phương ít tài nguyên thiên nhiên; không có sân bay hay cảng biển quốc tế nhưng hiện Bình Dương đã đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI. Trong nhiều năm liền, tỉnh luôn đứng vị trí số 1 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI).
Sự tăng trưởng nhanh với chất lượng cao của hầu hết các ngành kinh tế đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh. Tổng thu ngân sách trên địa bàn liên tục tăng nhanh qua từng năm. Bình quân giai đoạn 1997 – 2020 tăng 26,1%/năm. Đến năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 61.200 tỷ đồng; gấp 74 lần so với năm 1997.
Đến năm 2020, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước với hơn 7 triệu đồng/tháng. “Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Bình Dương đạt thành tựu quan trọng. Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn của trung ương và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn riêng của tỉnh chỉ còn dưới 1%” – ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.
Công nghiệp là nền tảng giúp Bình Dương phát triển kinh tế vượt bậc
Giá trị sản xuất công nghiệp Bình Dương tăng bình quân 24,6%/năm. Các khu, cụm công nghiệp không ngừng được hoàn thiện, mở rộng kết nối. Đến nay, địa phương đã có đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trong nước hùng hậu với hơn 53.000 doanh nghiệp; tổng vốn đăng ký 515.000 tỉ đồng; hơn 4.000 dự án đầu tư nước ngoài.
Từ 7 khu công nghiệp với diện tích hơn 1.600 ha vào năm 1997, đến nay toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp. Trong đó có 27 khu đi vào hoạt động với diện tích 12.670 ha. Diện tích cho thuê trên 87%. 12 cụm công nghiệp với diện tích gần 800 ha (diện tích cho thuê khoảng 67,4%).
Công nghiệp Bình Dương tăng trưởng nhanh đã thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Theo đó, ngành dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 1997 – 2020 tăng bình quân 25,9%/năm. Nhiều năm liền Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ xuất siêu lớn nhất cả nước. Cụ thể với số tiền hơn 6 tỷ USD/năm. Kinh tế nông nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ; giá trị tăng thêm của ngành nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,74%/năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, có được như vậy là nhờ phần lớn vào việc địa phương luôn nhất quán chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, “trải thảm đỏ để thu hút nhân tài”.
Ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là người đã đặt nền móng và kiên trì với con đường này. “Bác Sáu Phong ( Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) nói rằng hồi xưa, khách đến nhà, mình trải chiếu hoa ra là lịch sự lắm, nhà nghèo mà. Tinh thần mộc mạc vậy thôi, sâu xa là muốn mời gọi doanh nghiệp mang vốn liếng, tài lực về đây; kết hợp với tỉnh để làm ra của cải, vật chất cho xã hội” – ông Võ Văn Minh nhắc lại lời của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Ông Võ Văn Minh khẳng định cho đến bây giờ, “chiếc chiếu hoa” vẫn tiếp tục được trải để mời các nhà đầu tư đến với Bình Dương. Ông nhấn mạnh Bình Dương không có nhiều tài nguyên nhưng có lợi thế rất lớn khi xây đường nối rất tốt đến sân bay và cảng biển ở TP. HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy, việc vận chuyển hàng hóa vô cùng thuận lợi.
Đặc biệt, Bình Dương là địa phương thứ 2 cả nước có mô hình ban quản lý khu công nghiệp – đầu mối giải quyết hết các vướng mắc giấy tờ cho doanh nghiệp; là địa phương đầu tiên của cả nước đề xuất thực hiện mô hình một cửa của Việt Nam. Đây cũng là một bước tiến lớn để kinh tế Bình Dương phát triển như hiện nay.
Tỉnh đã lột xác sau 25 năm quyết tâm phát triển
Theo ông Võ Văn Minh, dù đạt được những thành quả đáng tự hào nhưng Bình Dương không tự thỏa mãn mà tiếp tục tìm kiếm những cách làm mới. Theo đó, hàng loạt hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế thường xuyên được tổ chức. Trong đó nổi bật là các hoạt động hợp tác với đối tác Hà Lan để công bố ý tưởng xây dựng thành phố thông minh.
“Trái ngọt đầu tiên cho sự nỗ lực là Bình Dương được công nhận là một trong những thành phố có chiến lược phát triển thông minh nhất (top 7); được cộng đồng quốc tế ghi nhận; tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế tầm cỡ như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (HORASIS); có các hoạt động tham gia cùng các tổ chức quốc tế uy tín, kết nghĩa với 10 thành phố thế giới; tham gia các tổ chức lớn của thế giới” – ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.
Theo ông Võ Văn Minh, để duy trì lợi thế thu hút đầu tư, Bình Dương đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công. Việc này nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; duy trì thực hiện hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính nhanh gọn; tích hợp các dịch vụ tiện ích trong hỗ trợ doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Bình Dương đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp Bình Dương nói riêng và kinh tế Bình Dương nói chung, bất động sản cũng phát triển không kém. Hiện tại với những lợi thế của mình và hưởng lợi từ sự khan hiếm đất nền của TP. HCM, bất động sản Bình Dương đặc biệt là đất nền đang có độ thanh khoản tốt cùng với tiềm năng tăng giá cao.
Hiện nay tại Bình Dương, nhất là những khu vực sắp được công nhận là thành phố như TX. Bến Cát và TX. Tân Uyên. Nơi đây được xem là điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản vì tiềm năng tăng giá rõ rệt; giá cả hiện vẫn đang rất tốt so với những khu vực đã lên thành phố như Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một; cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện; hệ thống giao thông có nhiều con đường huyết mạch (QL13, Cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT.741,…); quỹ đất còn lớn thu hút doanh nghiệp đến lập xưởng, chủ đầu tư bất động sản đến xây nhà ở,…
Vì vậy những dự án bất động sản có pháp lý rõ ràng ở những khu vực này sẽ chiếm ưu thế lớn hơn rất nhiều vì tiềm năng tăng giá đã được “bảo kê” bởi nền tảng phát triển kinh tế vững chắc của Bình Dương ở hiện tại và tương lai.