Cao tốc do Vingroup – Techcombank đề xuất được Phó Thủ tướng giao hoàn thành vào năm 2025

Với tổng chiều dài khoảng 140km, cao tốc Gia Nghĩa –  Chơn Thành do Vingroup – Techcombank đề xuất có quy mô quy hoạch 6 làn xe nhưng theo sơ bộ tính toán trường hợp phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe bề rộng 17m, đi qua địa phận hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước.

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có ý nghĩa quan trọng với Tây Nguyên

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 12/07/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự quyết tâm của hai địa phương và Tập đoàn Vingroup trong việc tổ chức nghiên cứu, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị các thủ tục triển khai Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành. Đây là tuyến đường quan trọng; không chỉ phục vụ trực tiếp cho hai tỉnh mà còn góp phần phát triển lưu thông vận tải cho cả khu vực Tây Nguyên, kết nối Đông Nam Bộ và TP. HCM.

Với tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng, dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành do liên danh Vingroup – Techcombank đề xuất và đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho hai đơn vị này chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Thông tin chi tiết về dự án

Dự án có tổng chiều dài khoảng 140km; đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông (38 km từ Gia Nghĩa đến ranh giới 2 tỉnh Đắk Nông-Bình Phước); tỉnh Bình Phước (102 km từ ranh giới 2 tỉnh Đắk Nông-Bình Phước đến Chơn Thành); điểm đầu tại khu vực TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, kết nối với điểm đầu của cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) và điểm cuối của cao tốc TP. HCM – Chơn Thành. 

Tuyến đường này có quy mô quy hoạch 6 làn xe nhưng theo sơ bộ tính toán trường hợp phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe bề rộng 17m.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất và đề xuất phương án đầu tư để sớm triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và trực tiếp làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup để định hướng phương án đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số ngày 17/6/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận Liên danh Vingroup-Techcombank chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo phương thức PPP.

cao-toc-gia-nghia-chon-thanh

Đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành vào năm 2025

Để bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án vào năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xem xét, thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh hướng tuyến, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Về việc giao cơ quan có thẩm quyền, HĐND 2 tỉnh đã có Nghị quyết về việc triển khai Dự án và giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở Tờ trình của UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2022 về việc giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, Phó Thủ tướng đồng ý triển khai đồng thời các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị thủ tục đầu tư, tuy nhiên phải bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, quy trình thủ tục theo quy định. 

Nhà đầu tư đề xuất dự án khẩn trương chỉ đạo Tư vấn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cơ quan có thẩm quyền trong tháng 8/2022 để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 9/2022.

Vingroup và Techcombank sẽ tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi

Theo Báo Bình Phước, vào đầu tháng 5/2022, liên danh Vingroup – Techcombank đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.

Theo đó, Tập đoàn Vingroup và Techcombank sẽ tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp các báo cáo không được phê duyệt, 2 đơn vị cam kết chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *