Thứ hai, 10/1/2022 | 11:00 | Tin tức, Tin thị trường
Sau khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát, giá đất ở vùng ven TP. HCM và các tỉnh lân cận đang có dấu hiệu “nóng sốt” trở lại. Tình trạng tăng giá đất nền diễn ra trên diện rộng, có nơi tăng gấp đôi so với trước dịch.
Bước sang thềm năm mới 2022, thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận có những dấu hiệu sôi động trở lại. Giá đất nền tại một số nơi đang tăng lên cao so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Ông N.T, người đầu tư nhà đất lâu năm tại TP. Thủ Đức, TP. HCM cho biết, giá đất nền khu vực này đang có chiều hướng tăng mạnh. Như nền đất 62m2 ở P. Linh Chiểu, tháng 4/2021 ông mua giá 5,5 tỷ đồng thì nay có người trả 6,2 tỷ đồng.
Hiện tại phân khúc đất nền, thị trường sơ cấp ở vùng ven TP. HCM dường như bị chững. Nguyên nhân vì thiếu nguồn cung trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên thị trường thứ cấp vẫn có giao dịch. Nếu có chững lại thì chỉ trong khoảng 6 tháng giãn cách xã hội.
Không riêng TP. Thủ Đức, một số nơi ở Q.2 và Q.9 cũ hiện cũng chứng kiến làn sóng tăng giá đất rõ rệt. Giá bán mới mỗi nền đất có mức chênh từ vài chục đến cả trăm triệu đồng so với trước đợt dịch Covid-19 thứ tư. Nhiều người còn dự đoán sau đợt Tết Nguyên Đán sẽ xảy ra một đợt sốt đất mới.
“Dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tâm lý chung của người có nhu cầu mua thực lẫn nhà đầu tư. Nhiều người vẫn còn e dè, chưa dám bung tiền đầu tư. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường đang có dấu hiệu sôi động trở lại”, ông N.T chia sẻ.
Theo khảo sát batdongsan.com, nhu cầu mua nhà đất tại TP. HCM tăng nhanh từ hai tháng trở lại đây. Khu vực thu hút nhất là khu Đông và huyện vùng ven Bình Chánh. Lượng người quan tâm tăng gần gấp đôi và mức giá ghi nhận tăng từ 7%-10%.
Tại Bình Dương, giá đất nền cũng bắt đầu tăng lên cao. Theo các chuyên gia thì sau đợt dịch vừa qua, đất nền ở Bình Dương đang thiết lập mặt bằng giá mới. So với thời điểm trước dịch, giá đất nền Bình Dương tăng dao động từ 10% đến 15%. Không chỉ đất của cá nhân, hộ gia đình mà đất nền thuộc dự án cũng tăng. Nguyên nhân do nguồn cung các dự án đất nền có pháp lý rõ ràng tại thị trường này đang dần khan hiếm. Ở thời điểm hiện tại giao dịch tại Bình Dương diễn ra nhộn nhịp hơn nhưng nhìn chung chưa xuất hiện sốt đất.
Nằm ở khu vực cửa ngõ phía Đông TP. HCM, thị trường bất động sản ở tỉnh Bình Dương đang có làn sóng tăng giá gây chú ý. Có nhiều nguyên nhân khiến cho giá đất nhiều nơi ở Bình Dương tăng mạnh như:
– Sau đợt dịch, nhiều người nhận thấy các kênh đầu tư khác khá bất ổn. Vì vậy, đổ tiền vào nhà đất trở thành lựa chọn hàng đầu. Do đó, bất động sản nói chung trở thành kênh trú ẩn an toàn.
– Thứ hai là Bình Dương tiếp giáp với TP. HCM, tỉnh hoàn toàn có thể thừa hưởng lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư,… Và với xu hướng mua ngôi nhà thứ hai của người dân cũng tăng mạnh sau dịch thì Bình Dương là lựa chọn hoàn hảo.
– Nguồn cung nhà ở, đất nền tại TP. HCM khan hiếm; giá quá cao nên người dân có xu hướng dạt về tỉnh mua đất đầu tư. Lợi nhuận của nhà đầu tư đi trước đã trở thành hấp lực với những nhà đầu tư mới
– Hiện tại Bình Dương sở hữu 3 thành phố là TP. Thuận An, TP. Dĩ An, TP. Thủ Dầu Một. Sắp tới sẽ có thêm 2 thành phố nữa là Tân Uyên và Bến Cát. Nhiều chuyên gia nhận định đầu tư đất nền tại 2 khu vực này sẽ hưởng lợi tăng giá rất lớn.
Theo chân một nhà đầu tư, PV VietNamNet ghi nhận giá đất nền một số nơi ở Bà Rịa – Vũng Tàu tăng “chóng mặt”. Chỉ trong vòng một năm trở lại đây một nền đất ở huyện Long Điền có giá 1,4 t – 2 tỷ đồng. Nơi có giá đất nền tăng mạnh nhất có thể kể đến là xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Những nền đất có vị trí đẹp tăng giá gấp đôi.
Khảo sát cho thấy, giá đất nền khu vực này đã tăng từ 30% đến 50% so với trước dịch. Đặc biệt, với những thửa đất có quy hoạch là đất ở. Trước đây 1ha có giá 15 tỷ đồng thì nay đã lên 25 – 30 tỷ đồng. Các phòng công chứng luôn trong tình trạng đông nghẹt khách ra vào.
Không còn đột biến như nửa năm trước đây nhưng giá đất một số nơi ở tỉnh Lâm Đồng cũng đang có chiều hướng tăng. So với trước đợt dịch, giá đất nền ở Lâm Đồng nói chung tăng từ 15% đến 20%. Riêng TP. Bảo Lộc, sau tình trạng phân lô bán nền tràn lan và chính quyền đang vào cuộc xử lý, giá đất nơi đây đang chững lại.
Theo nhà đầu tư này, trong hai tháng qua, huyện Lâm Hà đã trở thành nơi “sốt đất” mới. Giá đất nền tại đây tăng từ 50% đến 70% so với trước dịch. Sở dĩ giá đất khu vực này tăng cao vì vị trí gần TP. Đà Lạt.
Thị trường đất nền ở TP. Bảo Lộc thu hút nhiều nhà đầu tư từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư phía Bắc lại thích “săn” đất ở các huyện như Lâm Hà, Đức Trọng hay khu vực sân bay Liên Khương.
Về thực trạng giá đất nền ở nhiều nơi tăng mạnh, giảng viên Trần Nguyên Đán (Trường Đại học Kinh tế TP. HCM) cho rằng, khi đầu tư nhà đất, nhà đầu tư thường trông đợi vào hai nguồn thu nhập; đó là thu nhập thường xuyên từ nhà đất đó tạo ra hoặc thu nhập từ việc mua đi bán lại, còn gọi là lợi vốn.
Hầu hết các nhà đầu tư bất động sản hiện nay tập trung kiếm lời từ việc mua đi bán lại; bỏ qua thu nhập thường xuyên. Đánh vào tâm lý muốn lợi nhuận nhanh này, giới đầu cơ lợi dụng những thông tin để tạo “sốt đất”.
“Nếu có các yếu tố tác động vào nguồn thu nhập của nhà đất đó thì nó mới tăng giá trị. Lợi nhuận từ việc mua đi bán lại cũng dựa trên sự tác động đó”, TS. Trần Nguyên Đán nói.
Theo giảng viên Trần Nguyên Đán, nhà đầu tư chỉ nên xuống tiền vào “đất sống”, tức đất tạo ra nguồn thu nhập. Ví dụ, nơi đó có những yếu tố như khu vực sẽ thu hút một lượng dân cư đến; đón đầu dòng vốn đầu tư mới hoặc sự dịch chuyển về mật độ dân cư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên chọn những lô đất nền có phải lý minh bạch tránh ham rẻ mà mua đất không rõ ràng, tránh “tiền mất tật mang”.