Thứ bảy, 08/1/2022 | 10:00 | Tin tức, Tin thị trường
Năm 2022 TP. HCM đặt mục tiêu xây mới 14 chung cư cấp D. Qua đó Thành phố sẽ dành gần 1000ha đất dành để xây dựng nhà ở thương mại trong giai đoạn 2021-2022 và chỉnh sửa một số chính sách về nhà ở xã hội.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. HCM đề nghị trong năm 2022 Sở Xây dựng TP theo dõi, đôn đốc UBND TP. Thủ Đức, các quận huyện di dời chung cư cũ. Phấn đấu và quyết tâm khởi công 14 dự án xây mới; thay thế 14 chung cư cấp D.
Sở Xây dựng cần sớm hoàn chỉnh đề án phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 trình UBND và HĐND thành phố thông qua, thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng mới, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư.
Về vấn đề trật tự xây dựng, lãnh đạo UBND TP. HCM yêu cầu ngành xây dựng đề xuất và thực hiện các giải pháp kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó cần phải tạo ra phong trào nói không với xây dựng không phép; sai phép trong toàn nhân dân.
Đặc biệt, đơn giản thủ tục cấp phép xây dựng. Sắp tới, UBND TP. HCM sẽ ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để thống nhất quy chế quản lý; thực hiện; cấp phép xây dựng.
“Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký quyết định thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện tại TP. HCM
Vì thế từ lúc này, Sở Xây dựng cần chuẩn bị nguồn lực, phương tiện để không ách tắc công việc; ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân trong quá trình thực hiện thí điểm.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cần chủ động phối hợp, đeo bám với các Bộ ngành để rà soát, bổ sung, chính sách cơ chế cải tạo chung cư cũ và phát triển nhà ở xã hội”, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. HCM Lê Hòa Bình cho biết thêm.
Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, trong năm 2022 thành phố phấn đấu phát triển thêm 6,6 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở. Nâng diện tích nhà ở bình quân là 21,2 m2/người; xây dựng 10ha công viên, 2ha mảng xanh.
TP. HCM cũng đề ra chỉ tiêu 100% công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra. Song đó phải xử lý kịp thời, đúng quy định; giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 18,46%. TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; rà soát quỹ đất 20% diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, rà soát các khu đất đã có chủ trương đấu thầu của UBND TP. HCM để triển khai thực hiện lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Để thực hiện được các chỉ tiêu về nhà ở, ngành xây dựng TP. HCM sẽ đôn đốc các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan phấn đấu phát triển 6,6 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở; các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác đấu giá quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, Sở Xây dựng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng.
Đặc biệt, Sở Xây dựng sẽ thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong quản lý; sử dụng nhà ở chung cư; nhà ở xã hội. Tạo chuyển biến mới, có tính chất đột phá trong việc quản lý nhà nước về nhà ở chung cư…
UBND TP. HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2021, 2022.
Theo đó, TP. HCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục thực hiện việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch; tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn. Xây dựng mới, thay thế chung cư bị hư hỏng xuống cấp. Nâng cấp các khu dân cư hiện hữu góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị,…
Về chỉ tiêu phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu giai đoạn 2021 – 2025 là 50 triệu m2 sàn; chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP. HCM đến năm 2025 tối thiểu là 23,5m2/người.
Về diện tích tối thiểu của các loại hình nhà ở tăng thêm trong giai đoạn 2021 – 2025, với nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình; cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng gần 32 triệu m2 sàn xây dựng. Nhà ở trong các dự án không kể nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 15,5 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phấn đấu đạt tối thiểu 90% tổng số căn. Nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn.
Diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 là 974,4 ha. Trong đó, đất để xây dựng nhà ở thương mại trong dự án là 800,9 ha; đất để xây dựng nhà ở xã hội là 173,5 ha. Nhu cầu vốn lần lượt cho hai loại hình nhà ở nói trên là 239.748 tỷ đồng và 37.693 tỷ đồng.
Dự kiến vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 566.983 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại là khoảng 239.748 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân là khoảng 289.542 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà ở xã hội tối thiểu là khoảng 37.693 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2022, TP. HCM dự kiến tăng thêm 1,8 triệu m2 sàn xây dựng đối với loại hình nhà ở trong các dự án. Trong khi đó, diện tích sàn xây dựng của nhà ở xã hội dự kiến tăng thêm 46.307 m2.
Theo đó, thành phố dự kiến sử dụng khoảng 194,6 ha đất để xây dựng nhà ở thương mại trong dự án; 52,1 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội. Nhu cầu vốn lần lượt là 28.425 tỷ đồng và 698 tỷ đồng.
Việc rà soát lại việc xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại sẽ giúp những người lao động thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà tại TP. HCM. Họ có được ngôi nhà làm nơi “an cư lạc nghiệp”.