Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam cần biết những điều gì?

Thứ sáu, 24/12/2021  |  10:00  |  Tin tức, Tin thị trường

Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam có được không? Đây là một trong những vấn đề được kiều bào quan tâm, nhất là thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán. 

Việt kiều có được mua đất tại Việt Nam được không?

Khoản 1, Điều 169, Luật Đất đai năm 2013 quy định Việt kiều được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:

Việt kiều mua đất trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp; khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Việt kiều mua đất ở được khi thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Thông qua hình thức mua; thuê mua; nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở; hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

Theo quy định trên thì cho phép Việt kiều mua đất tại Việt Nam. Tuy nhiên bị giới hạn theo khu vực và chỉ được nhận chuyển nhượng một số loại đất nhất định. Việt kiều không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (không được mua riêng đất). Ngoại trừ trường hợp thửa đất đó nằm trong các dự án phát triển nhà ở.

Việt kiều mua đất tại Việt Nam có được đứng tên sổ đỏ?

Theo Khoản 2, Điều 186, Luật Đất đai năm 2013, Việt kiều thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam sẽ được cấp sổ đỏ. Cách ghi thông tin người sử dụng đất; chủ sở hữu nhà ở là Việt kiều tại trang 1 của sổ đỏ được quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT như sau:

“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”);  sau đó ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch; giấy tờ nhân thân ghi “Hộ chiếu số:…, nơi cấp:…, năm cấp:…”; địa chỉ đăng ký thường trú của người đó ở Việt Nam (nếu có)”.

viet-kieu-dat-tai-viet-nam

Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì?

Tại Điều 7, Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 5, Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Cụ thể, Việt kiều là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Việt kiều phải có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam thông qua các hình thức sau:

– Mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản;

– Mua, nhận đổi, nhận tặng cho nhà ở; nhận thừa kế nhà ở của cá nhân, hộ gia đình;

– Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán đất nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định.

Điều kiện cần đáp ứng để Việt kiều mua nhà ở Việt Nam

Theo Khoản 1, Điều 8, Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 5, Nghị định 99/2015/ND-CP quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi mua bất động sản tại Việt Nam cần có các loại giấy tờ sau đây:

– Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì hộ chiếu đó phải còn giá trị; có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.

– Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì hộ chiếu đó phải còn giá trị; có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;  kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp. Hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Có đủ năng lực hành vi dân sự thực hiện giao dịch nhà ở.

– Đối với cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là cá nhân nước ngoài hoặc là người Việt Nam định cư ở nước ngoài để xác định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

 

Việt Kiều được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong bao lâu?

Khoản 3, Điều 7, Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định: “Cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm. Thời gian này được tính kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận; khi hết thời hạn sở hữu nhà ở ghi trong Giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét; gia hạn thêm theo quy định tại Điều 77 của Nghị định này”.

Theo đó, việc giới hạn thời hạn sở hữu nhà chỉ áp dụng với cá nhân nước ngoài. Còn Việt kiều thì được sở hữu nhà như công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam.

viet-kieu-dat-tai-viet-nam

Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở không?

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 6, Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở nếu đáp ứng đủ các điều kiện như sau:

– Có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định.

– Có giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan.

– Đối với trường hợp Việt kiều không được nhập cảnh vào Việt Nam mà được tặng cho; được thừa kế nhà ở tại Việt Nam thì không được công nhận quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, họ vẫn có quyền bán hoặc tặng cho hoặc thống nhất phân chia theo quy định về các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 

Việt kiều có được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam?

Theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Việt kiều được phép kinh doanh bất động sản tại Việt Nam dưới các hình thức sau:

– Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;

– Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản tại Việt Nam của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán; cho thuê; cho thuê mua;

– Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán; cho thuê; cho thuê mua;

– Đối với đất thuê của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức thì được đầu tư xây dựng nhà; công trình xây dựng để cho thuê theo đúng mục đích sử dụng đất;

– Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê.  Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để cho thuê mua; cho thuê; bán;

– Đối với đất thuê, đất nhận chuyển nhượng trong khu kinh tế; khu công nghệ cao, khu chế xuất; cụm công nghiệp, khu công nghiệp thì được đầu tư xây dựng nhà; công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.

Trên đây là những quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần nắm rõ một số quy định hiện hành liên quan đến việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *