Hệ số điều chỉnh giá đất ở tại TP HCM để lập phương án bồi thường năm 2022 tối đa gấp 15 lần so với giá nhà nước, còn hệ số của giá đất nông nghiệp tối đa gấp 35 lần.
UBND TP. HCM vừa có Quyết định 28 ban hành Quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi trên địa bàn thành phố năm 2022.
Theo đó, từ ngày 25-8, đất ở tùy quận huyện có hệ số điều chỉnh gấp 2-15 lần so với giá nhà nước. Khu vực có hệ số cao nhất (tối đa 15 lần) là huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, TP. Thủ Đức.
Đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì tính bằng từ 60% đến 80% giá đất ở liền tùy theo loại đất.
Đất nông nghiệp tại TP. HCM có hệ số cao 5-35 lần giá nhà nước. Nơi có hệ số cao nhất, tối đa 35 lần gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11.
Hệ số điều chỉnh giá đất do thành phố ban hành nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. So với năm 2021, hệ số năm nay được đánh giá cụ thể và sát thực tế hơn; hệ số điều chỉnh giá đất ở đô thị cao hơn những năm trước.
Bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án luôn là vấn đề khó khăn của TP HCM từ trước tới nay. Không ít dự án trọng điểm bị đình trệ nhiều năm do vướng mặt bằng chưa thể giải tỏa.
Ngoài điều chỉnh hệ số để giá đất sát với thực tế, UBND TP. HCM từng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh dự án.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tất cả vấn đề cần giải quyết ở đây là làm sao xác định sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Có mấy phương pháp, trước tiên là quá trình giao dịch đất đai; từ việc nhà nước giao đất là thị trường sơ cấp, cũng cần hướng đến chủ yếu là đấu giá, đấu thầu, thì sẽ sát thị trường.
Người dân tham gia giao dịch đất đai và nhà đầu tư bất động sản phải công khai trên sàn giao dịch; giá phản ánh đúng thị trường. Khi có giá phản ánh rộng rãi như vậy chính là giá chúng ta sẽ xác định được nó là giá trị của thị trường mang tính chất ổn định.
Còn hiện nay dựa vào 5 phương pháp định giá đất, cũng tìm cách có phương án dự báo, thống kê để quy đổi, chuyển từ tất cả biến động đó ra giá thị trường, nhưng giá thị trường đó còn nhiều sai lệch. thông qua hệ số biến động xác định biến động của thị trường.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là thông tin về giá đất, tức phải tạo bản đồ vùng giá trị, thể hiện giá giao dịch hôm nay của nhà nước giao đất, đấu giá đất; giá trên sàn thương mại thế nào. Nó sẽ đưa ra giá đầy đủ, chúng ta chỉ cần làm phép tính đơn giản để đưa ra giá trị trung bình.
Với các nước mất 5-10 năm để đưa ra bảng giá trị giá đất. Hiện ở Việt Nam nhiều địa phương đã áp dụng phương pháp này xác định biến động giá đất thị trường.
Ở nước ta, việc lập bản đồ giá trị đất đai phụ thuộc vào từng khu vực, nơi nào giao dịch đất đai diễn ra nhiều thì có thể diễn ra sớm hơn.
Năm 2025, chúng ta sẽ có cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có bản đồ về giá đất đai. Khi hoàn thành xong việc đo đạc, các thửa đất đều thể hiện trên bản đồ địa chính, gắn với giá đất thu thập hàng ngày.
“Tôi nói 5 năm ở các nước là thay đổi từ 5 phương pháp sang phương pháp vùng giá trị đất. Tôi nghĩ trong vòng 5 năm, Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới. Còn hiện nay chúng ta phải kết hợp các phương pháp định giá”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.