VÌ SAO BẤT ĐỘNG SẢN BIÊN HÒA ĐỒNG NAI TĂNG MẠNH- CƠ HỘI GÌ CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN CÁC TỈNH VÙNG VEN

Giá BĐS tại 6 phường Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, An Hòa đã tăng gấp 1-3 lần so với cách đây 3 năm.

Theo Cổng thông tin UBND tỉnh Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết, giá đất tại TP.Biên Hòa thời gian qua biến động khá lớn theo chiều hướng tăng cao. Đặc biệt 6 phường có giá đất người dân tự chuyển nhượng tăng cao gấp 1-3 lần so với cách đây 3 năm là: Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, An Hòa.

Tại những phường trên, giá đất biến động lớn là do có quyết định chính thức trở thành phường. Cũng theo bà Liên, giá đất giao dịch ngoài thị trường bị đẩy lên quá cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các dự án đang và sắp triển khai tại những khu vực trên. Giá bồi thường nếu không tính toán phù hợp, người dân sẽ không đồng tình giao đất như vậy công tác bồi thường sẽ kéo dài.

Được biết, hồi tháng 6 UBND TP Biên Hòa đã chính thức tổ chức lễ công bố thành lập thêm 6 phường gồm An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước và Tân Hạnh. Ranh giới các phường này gồm:

Phường An Hòa có 9,21 km2 diện tích tự nhiên, dân số 22.925 người của xã An Hòa. Địa giới hành chính phường An Hòa sẽ là Đông giáp phường Phước Tân; Tây và Bắc giáp phường Long Bình Tân; Nam giáp xã Long Hưng.

Phường Hiệp Hòa có  6,97 km2 diện tích tự nhiên, dân số 15.468 người của xã Hiệp Hòa. Địa giới hành chính phường Hiệp Hòa sẽ là Đông giáp phường An Bình và phường Bình Đa; Tây giáp phường Quyết Thắng và phường Bửu Hòa; Nam giáp phường Tân Vạn; Bắc giáp các phường Thống Nhất, Tân Mai và Tam Hiệp.

Phường Hóa An có  6,85 km2 diện tích tự nhiên, dân số 33.099 người của xã Hóa An. Địa giới hành chính phường Hóa An sẽ là Đông giáp phường Bửu Hòa: Tây giáp phường Tân Hạnh và tỉnh Bình Dương; Nam giáp tỉnh Bình Dương; Bắc giáp các phường Bửu Long, Hòa Bình và Thanh Bình.

Phường Phước Tân có 42,77 km2 diện tích tự nhiên, dân số 52.602 người của xã Phước Tân. Địa giới hành chính phường Phước Tân sẽ là Đông giáp phường Tam Phước và huyện Trảng Bom; Tây giáp xã Long Hưng, phường An Hòa và phường Long Bình; Nam giáp phường Tam Phước và xã Long Hưng; Bắc giáp huyện Trảng Bom.

Phường Tam Phước có 45,10 km2 diện tích tự nhiên, dân số 53.731 người của xã Tam Phước. Địa giới hành chính phường Tam Phước sẽ là Đông giáp huyện Trảng Bom và huyện Long Thành; Tây giáp xã Long Hưng; Nam giáp huyện Long Thành; Bắc giáp phường Phước Tân và huyện Trảng Bom.

Phường Tân Hạnh có 6,06 km2 diện tích tự nhiên, dân số 9.407 người của xã Tân Hạnh. Địa giới hành chính phường Tân Hạnh sẽ là Đông giáp sông Đồng Nai; Tây và Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Nam giáp phường Hóa An.

Ngoài 6 phường trên, Đồng Nai cũng thành lập 2 thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất và thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch.

Có thể thấy, đây chính là tín hiệu tốt để cho thị trường bất động sản vùng ven lên ngôi, chắc chắn tất cả các dự án bất động sản vùng ven khi ra mắt đều sẽ được thị trường hấp thụ tốt.

CÔNG TY HOÀNG HƯNG THỊNH

 

JLL: CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ NHẤT TRONG PHÂN KHÚC NHÀ Ở VÀ VĂN PHÒNG

Theo JLL Việt Nam, công nghệ ứng dụng trong BĐS (Proptech) đang ngày nở rộ theo dòng tăng trưởng BĐS mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong đó, phân khúc nhà ở và văn phòng ghi nhận sự quan tâm đến từ cả phía nhà phát triển lẫn khách thuê mua, chiếm hơn 50% trong tổng số các công ty proptech trên thị trường.

Theo danh sách hệ sinh thái proptech tại Việt Nam của Finrei, proptech được áp dụng nhiều nhất vào nhà ở, nổi bật nhất là các trang web giới thiệu và liệt kê các bất động sản nhà ở, tư vấn các giao dịch, mua bán, cho thuê và quản lý dự án. Trong đó, Proptech phát triển mạnh mẽ nhất trong phân khúc nhà ở và văn phòng.

Ngoài ra, công nghệ này còn được áp dụng rộng rãi trong mảng co-working (không gian làm việc chung). Khi thị trường tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ, công nghệ thông minh đóng vai trò rất quan trọng giúp chủ nhà và khách thuê tối ưu hóa các không gian cần thiết trong một văn phòng.

Theo JLL, sự tăng trưởng của văn phòng thông minh, với phần lớn các bản thiết kế mới liên quan đến ít nhất một khía cạnh của công nghệ thông minh như hệ thống chiếu sáng và trung tâm điều hòa không khí có chức năng tiết kiệm năng lượng.

Hiện nay, khoảng 80% doanh nghiệp proptech là các nhà khởi nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Một số công ty Proptech trong nước được thành lập và khá phổ biến trong giới BĐS đang trên đà phát triển nhanh chóng.

Proptech không chỉ phục vụ trực tiếp cho phân khúc nhà ở và văn phòng mà còn được phát triển để phục vụ những ngành công nghiệp liên quan như khách sạn, nghiên cứu thị trường, xây dựng, quản lý quỹ,…

Theo như Jeriel Tan, Trưởng phòng Marketing tại Technode.com cho biết: “Những ứng dụng proptech không chỉ phục vụ khách hàng trong thời gian ngắn mà còn có tầm ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn của chính phủ, tính bền vững và biến đổi khí hậu bởi môi trường tự nhiên và nhân tạo thay đổi nhanh chóng.

Hiện nay, những công ty Proptech tại Việt Nam đã bắt đầu hợp tác với các nhà Fintech – thuật ngữ chỉ sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ. Có thể thấy các công ty quản lý BĐS đang tìm cách để kết nối và lồng ví điện tử vào các ứng dụng quản lý của họ nhằm nâng cao dịch vụ và trải nghiệm người dùng. Các trang web giao dịch BĐS cũng đã công bố những cái bắt tay với các các đơn vị cung cấp ví điện tử, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đóng và thu các khoản phí.

Tuy nhiên, theo JLL, các thương vụ tích hợp này sẽ mất khá nhiều thời gian do Việt Nam vẫn là quốc gia giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt và thẻ tín dụng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.

“Mặc cho những rào cản vốn có đến từ định kiến và lòng tin trong nền công nghiệp bất động sản, chúng tôi vẫn kỳ vọng về bức tranh Proptech tươi sáng nhờ vào tỷ lệ dân số trẻ và am hiểu công nghệ, bên cạnh đó là dòng vốn đầu tư luôn sẵn sàng đổ vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam”, đại diện JLL nhấn mạnh.

Cũng theo đơn vị nghiên cứu này, trong khi có không nhiều chủ đầu tư thực hiện các dự án BĐS thông minh, đây là thời điểm tốt dành cho các chủ đầu tư nhỏ hơn hoặc mới gia nhập thị trường định vị thương hiệu với mô hình này.

 

 

“Bỏng tay” khi ăn theo những “cơn sốt” của hạ tầng tương lai

Không thể phủ nhận việc hạ hầng được đầu tư sẽ tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà đầu tư cần thận trọng trước những cơn sốt ăn theo các công trình mới được bàn thảo, bởi khả năng “om vốn” là rất cao.

Những cơn sốt ăn theo hạ tầng

Mới đây, lãnh đạo UBND TP HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với nhau để thống nhất về việc triển khai xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Bước đầu, hai địa phương đã thống nhất các phương án triển khai dự án với quyết tâm sẽ khẩn trương xây dựng nhanh công trình này. Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng, cầu Cát Lái được đánh giá có ý nghĩa lớn trong chiến lược kết nối vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai và cả TP HCM.

Ngay sau khi thông tin này được truyền thông rộng rãi, thị trường bất động sản Nhơn Trạch một lần nữa lại dậy sóng sau một thời gian dài im ắng. Rất nhiều nhà đầu tư đổ về đây để đón sóng đầu tư, khiến giá đất tại thị trường này một lần nữa tiếp tục tăng chóng mặt.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, giá đất tại thị trường Nhơn Trạch đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, những tháng đầu năm 2018, giá đất nền ở đây chỉ 6 – 12 triệu đồng/m2, khu trung tâm thành phố mới cũng dao động khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá đất tại một số khu vực đã tăng từ 40 – 50%. Cụ thể, mức giá giao dịch đất nền ở khu trung tâm Nhơn Trạch đã vượt lên mức 50 – 70 triệu đồng/m2.

Anh Sơn, nhân viên một sàn giao dịch trên đường Tôn Đức Thắng (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Ngay sau khi có thông tin lãnh đạo hai địa phương thống nhất phương án xây cầu Cát Lái, nhà đầu tư từ khu vực TP HCM và các vùng lân cận đổ về đây ôm đất rất nhiều. Những lô đất nằm ngoài mặt tiền có giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/nền được mua bán sang tay rất nhanh, có nhiều lô đất trả 70 triệu đồng/m2 nhưng chủ đất vẫn chưa bán”, anh Sơn nói.

Không chỉ tại Nhơn Trạch, mà “cơn sốt” cũng xuất hiện tại huyện Cần Giờ (TP HCM) ngay sau khi UBND TP HCM đã chấp thuận đề xuất xây dựng cầu Cần Giờ theo hướng nối đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài) với đường Rừng Sác.

Mặc dù đợt sốt này không cao trào như những lần trước, nhưng nhiều cò đất và giới đầu cơ đã lợi dụng thông tin hạ tầng để đẩy giá, khiến thị trường tại những khu vực này lại rục rịch tăng. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại những khu vực đô thị hóa cao như xã Bình Khánh, Cần Thạnh, An Thới Đông, Long Hòa…, giá đất tăng bình quân từ 10 – 15%. Cụ thể, tại xã Bình Khánh, đất thổ cư xung quanh UBND xã giá trung trình 15 – 20 triệu đồng/m2; đất thổ vườn, đất nuôi trồng thủy sản giá 2 – 4 triệu đồng/m2.

Còn tại khu vực thị trấn Cần Thạnh, giá đất thổ cư trung bình 25 – 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, hướng về xã Long Hòa chỉ có giá từ 10 – 15 triệu đồng/m2, cao nhất là tại ấp Hòa Hiệp giá đất hiện cũng tăng vọt lên mức 25 – 26 triệu đồng/m2.

Trước đó, năm 2017, Củ Chi cũng đã lên cơn sốt đất sau thông tin về việc Tập đoàn Tuần Châu sẽ đầu tư xây dựng đại lộ ven sông dài 63 km nối trung tâm Thành phố tới Củ Chi đã làm giới đầu tư và người dân địa phương phấn khởi. Đáng chú ý, dù đây chỉ là đề xuất, chưa được UBND TP HCM chấp thuận, nhưng thị trường bất động sản địa phương này đã tăng lên.

Nhiều cơ hội, nhưng cần thận trọng

Không thể phủ nhận việc cơ sở hạ tầng được đầu tư sẽ tạo cú huých cho thị trường bất động sản phát triển. Khi xuất hiện thông tin về hạ tầng, đặc biệt những dự án tác động đến sự phát triển một địa phương, lập tức thị trường khu vực đó được đẩy giá lên cao, giúp không ít nhà đầu tư “thắng đậm” nhờ đón sóng đầu tư từ những chính sách xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, các nhà đầu tư không nên chạy theo tâm lý đám đông. Cần phải nghiên cứu kỹ về pháp lý, giá cả, uy tín chủ đầu tư và quan trọng nhất là nơi đó có các cơ sở thiết yếu để hình thành cộng đồng dân cư hay không, vì hiện nay có nhiều dự án triển khai, bán xong rồi để đó. Đồng thời, những công trình hạ tầng có thời gian chuẩn bị rất lâu, nếu mua đất trong cơn sốt, rất có thể sẽ bị om vốn, thậm chí lỗ lớn.

Nhơn Trạch hay Cần Giờ không chỉ sốt trong thời gian gần đây, mà tình trạng này đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Cụ thể, từ năm 1996, huyện Nhơn Trạch được phê duyệt lên thành phố, là đô thị loại II, với dân số dự kiến khoảng 500.000 người vào năm 2020.

Thông tin trên đã khiến bất động sản địa phương này lên cơn sốt. Sau đó, thông tin về việc xây cầu Cát Lái, Sân bay Long Thành khiến giá đất tại đây tiếp tục có những đợt “nóng – lạnh” kéo dài. Mỗi một lần giá đất tăng lên là đi kèm với các thông tin về xây dựng hạ tầng cơ sở, từ đó nhiều nhà đầu tư lại kỳ vọng về sự đột phá của thành phố mới này.

Tuy nhiên, trải qua nhiều lần sốt đất, sau hơn 20 năm, Khu đô thị mới Nhơn Trạch vẫn chưa được định hình. Toàn vùng là hàng chục dự án bất động sản đang xây dựng dở dang, hàng trăm ngôi nhà liền kề, biệt thự bị xuống cấp nghiêm trọng, cỏ cây thỏa sức mọc. Chính vì vậy, cứ mỗi đợt sốt đi qua, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lại rơi vào cảnh trắng tay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM phân tích, giá cả thị trường được quyết định bởi 3 quy luật, quy luật giá trị, quy luật cung – cầu và quy luật cạnh tranh. Đối với giá cả thực tế còn chịu sự tác động của tiện ích, dịch vụ, mà đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư khi biết được thông tin về đầu tư hạ tầng, họ đã nắm bắt cơ hội để đón sóng đầu tư là điều tất yếu.

Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, những người có nhu cầu thực và có nguồn tiền nhàn rỗi, không áp dụng đòn bẩy tài chính thì vẫn có thể đầu tư cho các dự án theo hạ tầng nhưng phải nắm rõ tính pháp lý của từng dự án. Chính vì vậy, khi không nắm được thông tin, người dân không nên chạy theo cơn sốt mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất sẽ chịu rủi ro lớn.

“Việc xây cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ là có thật, không phải là ảo nhưng vấn đề là nó hoàn thành lúc nào. Việc chấp thuận chủ trương cho tới khi triển khai công trình, hoàn thiện trong thực tế mất rất nhiều thời gian”, ông Châu nói và phân tích thêm, đi qua cơn sốt, rất nhiều dự án ăn theo dễ dàng bị đóng băng, đắp chiếu.

“Đây là cái giá phải trả của việc chạy theo hạ tầng, dự án. Do đó, khách hàng cần tỉnh táo để không bị dính bẫy do cò đất giăng ra”, ông Châu cảnh báo.

Trong khi đó, nhìn nhận dưới góc độ của một nhà đầu tư, ông Trần Huynh, ngụ tại Thủ Đức, TP HCM cho rằng, những khu vực như Nhơn Trạch hay Cần Giờ giá đất hiện vẫn còn rẻ nên tính thanh khoản còn lớn. Thực thế cho thấy, rủi ro lớn nhất của phân khúc đất nền chủ yếu rơi vào tính thanh khoản của thị trường. Dù khó khăn nhưng giá khó giảm và khi nóng trở lại, thị trường lại xác lập mặt bằng giá mới cao hơn. Chưa kể, khu vực này có nhiều tiềm năng để tăng giá khi cầu Cát Lái, sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, ông Huynh cũng cho rằng, các nhà đầu tư cần xem kỹ quy hoạch, không nên mua theo phong trào, hám rẻ dễ dính bẫy lừa đảo.

“Việc cần làm bây giờ là các nhà đầu tư phải hết sức tỉnh táo, nên chọn mua những mảnh đất có pháp lý đầy đủ, không dính quy hoạch và không nên dùng đòn bẩy tài chính trong trường hợp này, bởi nhiều ngân hàng đang tăng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, như vậy sẽ rất áp lực và không loại trừ khả năng bị thua lỗ”, ông Huynh nói.

 

Sụt giảm mạnh nguồn cung mới tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

Nguồn cung ra thị trường vẫn là câu chuyện được nhắc nhiều nhất ở thời điểm hiện tại. Tạo ra quỹ đất lớn, cơ chế kết nối hạ tầng, chính sách linh hoạt theo quy mô, khu vực, phân khúc…được xem là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp đề xuất ở giai đoạn này nhằm khuyến khích các chủ đầu tư phát triển dự án, tạo nguồn cung bền vững trên thị trường.

Đi tìm giải pháp hiệu quả

Có lẽ đây là thời điểm mà những nhận định, đánh giá, dự báo về nguồn cung thị trường BĐS sôi động hơn bao giờ hết. Sự sụt giảm cung mới ở hầu hết các phân khúc đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn thị trường BĐS. Trong đó, rõ ràng những người trong cuộc đã nhìn thấy tình hình chung, nhưng có lẽ chưa có lời giải ngay lập tức.

Theo các doanh nghiệp, BĐS không thuần túy phụ thuộc vào cung – cầu thị trường, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách của nhà nước; vào thị trường liên kết như tài chính BĐS…từ thị trường này mà ảnh hưởng đến thị trường kia.

Thời gian qua, các chuyên gia đều có những nhận định tích cực về kinh tế vĩ mô, tuy nhiên thực tế có những khó khăn về mặt thủ tục hành chính đã tác động rõ nét đến nguồn cung của thị trường BĐS.

Trao đổi về câu chuyện này, bà “X” cho rằng cân đối nguồn cung BĐS dựa vào đánh giá trên nhu cầu thực tế của thị trường chứ không nên thiên về một hướng nào cả. Làm ra sản phẩm trung cấp hay cao cấp đều phải dựa trên nhu cầu thực tế của người mua, phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến vị trí, quy mô, khu vực và chính sách đầu tư. Có những yếu tố mà bản thân chủ đầu tư không thể quyết định được mà phải có chiến lược tổng thể từ cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, theo bà “X” hiện nay chính sách đang nhìn theo góc hẹp, chưa tác động đến toàn thị trường và có những cái chưa linh hoạt. “Các chính sách cho thị trường BĐS hiện nay đang áp dụng đồng đều, chưa có sự phân ra theo quy mô, khu vực, phân khúc. Nếu mỗi phân khúc có những cơ chế khác nhau thì các chủ đầu tư sẽ có sự lựa chọn và phát triển dự án hiệu quả”, bà “X” nhấn mạnh.

Giải pháp về nguồn cung hiệu quả, theo quan điểm của bà “X” là phải tạo ra quỹ đất lớn, có cơ chế linh hoạt để chủ đầu tư mạnh dạn đầu tư. Đặc biệt, nên có những cơ chế tốt hơn cho các chủ đầu tư phát triển dự án quy mô lớn, tránh tình trạng nguồn cung manh mún, nhỏ lẻ.

“Theo tôi, nên khuyến khích nguồn cung thị trường theo hướng đồng bộ, bài bản, quy mô đủ lớn và chọn chủ đầu tư có năng lực để triển khai sẽ có chất lượng về sản phẩm nhà ở ra thị trường, môi trường sống đúng nghĩa cho người dân. Từ đó, cũng góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của khu vực đó”, bà “X” cho hay.

Chẳng hạn, muốn phát triển dòng sản phẩm trung cấp thì chính quyền tạo cơ chế do dòng sản phẩm này thuận lợi để CĐT họ mạnh dạn đầu tư. Hay nếu phát triển dự án KĐT quy mô, thay đổi được diện mạo cho một khu vực thì cần có cơ chế thoáng, hỗ trợ lâu dài để CĐT họ yên tâm phát triển dự án. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, chẳng hạn dự án tầm bao nhiêu héc-ta trở lên có những cơ chế ưu đãi hơn, tốt hơn nhằm khuyến khích các CĐT phát triển các dự án quy mô, chất lượng.

“Hoặc thay vì làm dự án quy mô nhỏ, thủ tục chậm thì với những dự án quy mô lớn hơn thủ tục phải nhanh hơn, thuận lợi hơn. Phải dùng cơ chế linh hoạt, định hướng được cho CĐT và thị trường theo định hướng quy hoạch thì hiệu quả đầu tư dự án mới cao”.

Trong khi chính quyền muốn thị trường BĐS ổn định nhưng các thủ tục pháp lý lại khó khăn khiến nguồn cung giảm đi. Rõ ràng nếu cung không đáp ứng đủ nhu cầu thì bất ổn nhiều hơn ổn định. Bản chất của thị trường là cung – cầu phải tương đồng với nhau để tạo ra mức giá hợp lý. Khi cung nhiều, cầu ổn định, giá cả BĐS sẽ có xu hướng ổn định, thậm chí giảm giá, có lợi cho người tiêu dùng.

“Nhà nước muốn hạn chế/tăng nguồn cung để tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng phải chỉ rõ là hạn chế/tăng ở loại hình nào, ở nhu cầu nào (ở thực hay đầu tư), phải có sự linh hoạt cho từng phân khúc, khu vực và dựa vào nhu cầu thực tế của thị trường”,

Bên cạnh đó, muốn tạo nguồn cung thì phải tạo quỹ đất lớn. Cái thiếu nhất của các doanh nghiệp BĐS hiện nay là đất và thủ tục pháp lý. Khi đã tạo ra quỹ nhà lớn, tức nguồn cung ổn định, người dân cũng được hưởng lợi, có nhiều sự lựa chọn. Họ chỉ lo làm ăn, tích lũy tiền đi mua nhà. Giá cả không tăng đột biến vì khan hiếm cung, thị trường sẽ ổn định.

“Làm sao để tạo ra nguồn cung đa dạng trên thị trường mà người có thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng vẫn có nhà ở mức giá này để mua; người có thu nhập 100 triệu thì có nhà 10 tỉ đồng để mua”,

Dài hơi” nhưng phải làm!

Minh chứng về sự thành công của KĐT Phú Mỹ Hưng, chỉ có phát triển các KĐT đủ lớn mới đạt sự đồng bộ về quy hoạch đô thị, hạ tầng chỉn chu. Nếu mình chủ đầu tư làm sẽ không đủ mà cần đi theo hệ thống, hậu thuẫn từ phía chính quyền, nhà nước.

Trước đây, TP quyết tâm để có một đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng thì cả thành phố phải bắt tay vào làm; phải có cơ chế; có sự đồng hành thì NĐT mới vào làm. Thực tế hiện tại cũng vậy, câu chuyện các KĐT hiện hữu có nhiều vấn đề bất cập, quá tải về mặt giao thông, hạ tầng thì cần có những quy hoạch lớn có quy chuẩn thì ắt thị trường BĐS sẽ phát triển một cách bền vững.

Hay, ở khu vực Q.9, Tp.HCM nếu không có những chủ đầu tư lớn như Nam Long, Khang Điền, Novaland về đầu tư thì diện mạo khu vực này khó thể thay đổi được. Nếu để các CĐT làm vài ba héc-ta, tự phát, xen kẽ trong các KDC thì chắc chắn bộ mặt khu đô thị sẽ lụp xụp, trong khi các dự án quy mô hàng trăm héc-ta sẽ tạo ra sự đồng bộ về hạ tầng, đường xá, cây xanh….

Rõ ràng, với những dự án quy mô thì sẽ làm được nhiều câu chuyện hay ho cho thị trường và người mua nhà hơn. Do đó, khuyến khích phát triển các KĐT lớn, quy mô để tránh tình trạng manh mún là việc nên làm cho nguồn cung thị trường, dù “dài hơi” nhưng phải quyết tâm làm thì mới thành hiện thực.

“Đây là thời điểm phát triển có chọn lọc. Không mang tính ồ ạt, nghĩa là khách hàng phải có cân nhắc lựa chọn đúng đắn, và CĐT có khuynh hướng đầu tư vào các dự án quy mô, đồng bộ thay vì đầu tư vào các dự án nhỏ lẻ. Từ đó, tạo ra chất lượng môi trường sống đúng nghĩa cho khách hàng”

Hiện tại những ách tắc về mặt thủ tục cũng cần phải phân loại, phân nhóm ra để hỗ trợ theo thực tế thị trường. Bởi vì, câu chuyện cuối cùng là sản phẩm đưa ra thị trường, phải ưu tiên những người làm sản phẩm thật cho xã hội.

Về lâu dài cần có giải pháp về nguồn cung đồng bộ, quyết tâm làm đến cùng với chính sách đường dài chứ không phải “ngày một ngày hai”. Việc tạo ra nguồn cung dồi dào cân xứng với nguồn cầu đang rất phát triển sẽ giúp thị trường đảm bảo được yếu tố cung – cầu hợp lý, từ đó tạo ra sự bền vững của thị trường BĐS nói chung.

Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ